Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác hòa giải ở cơ sở
1. Thực trạng tham gia công tác hòa giải ở cơ sở của Mặt trận Tổ quốc
Hòa giải ở cơ sở là việc hướng dẫn, giúp đỡ, thuyết phục các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau những vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ nhằm giữ gìn đoàn kết trong nội bộ nhân dân, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở được thể hiện thông qua các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là trong thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở.
a) Xây dựng văn bản hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến giáo dục Luật hòa giải cơ sở
Ngày 18.11.2014, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính phủ đã ký kết Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTƯMTTQVN hướng dẫn phối hợp thực hiện một số quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở. Theo đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các địa phương đã ký kết chương trình phối hợp về thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở. Công tác phổ biến, quán triệt các văn bản pháp luật nói chung và pháp luật về hòa giải ở cơ sở trên phương tiện thông tin đại chúng, qua các hình thức khác đã được thực hiện có hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế việc thực hiện công tác này ở một số cơ sở còn dàn trải, chưa thường xuyên, còn chậm đổi mới về nội dung và hình thức. Ở một số tỉnh miền núi, đông đồng bào dân tộc thiểu số, các cộng đồng dân cư có đặc trưng văn hóa, phong tục, tập quán khác nhau, việc biết tiếng nói, am hiểu văn hóa, phong tục của các cộng đồng dân tộc để tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác hòa giải là rào cản lớn trong thực hiện hòa giải của đội ngũ hòa giải viên.
b) Tham gia xây dựng tổ chức bộ máy hòa giải ở cơ sở
Thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc tích cực phối hợp, tham gia tuyển chọn, bầu hòa giải viên và đã thu hút được nhiều thành phần, lực lượng tham gia. Số lượng, chất lượng của đội ngũ hòa giải viên từng bước được bảo đảm, hầu hết hòa giải viên đều nêu cao tinh thần tự nguyện, nhiệt tình, trách nhiệm. Nhiều hòa giải viên vững về chuyên môn, nghiệp vụ, thành thạo về kỹ năng hòa giải ở cơ sở. Đến tháng 4.2019, cả nước có 106.583 tổ hòa giải với 660.089 hòa giải viên, trong đó, 128.091 cán bộ mặt trận tham gia làm hòa giải viên, số hòa giải viên còn lại là cán bộ làm công tác trong các tổ chức Phụ nữ, Cựu Chiến binh, Người cao tuổi, Đoàn thanh niên hoặc già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, người có uy tín, nguyên cán bộ làm công tác pháp luật nghỉ hưu tại địa phương(1)...
Tuy nhiên, trong thực tế hoạt động ban công tác mặt trận ở nhiều cơ sở còn chưa chủ động kiến nghị Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã trong củng cố, kiện toàn tổ hòa giải khi có sự thay đổi. Chất lượng đội ngũ hòa giải viên cơ sở chưa cao, số lượng hòa giải viên có chuyên môn Luật còn thiếu, chỉ có 22.746 người, chiếm tỷ lệ rất nhỏ, khoảng 3,5%. Số lượng hòa giải viên là nữ còn ít. Năm 2008, cả nước có 651.788 hòa giải viên, trong đó chỉ có khoảng 28,5% hòa giải viên là nữ. Công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho hòa giải viên chưa được tổ chức định kỳ thường xuyên. Số lượng hòa giải viên được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ hằng năm còn hạn chế. Trong năm 2018, cả nước chỉ có 237.042 hòa giải viên được bồi dưỡng, chiếm 36,4% tổng số hòa giải viên, còn 73,6% số hòa giải viên chưa được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ(2).
c) Vận động nhân dân xây dựng nội dung thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở trong hương ước, quy ước
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã chủ động phối hợp với ngành tư pháp cùng cấp tham mưu cho chính quyền địa phương đưa nội dung thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở vào xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước, trong đó đề ra các giải pháp thực thi hiệu quả, đồng thời kịp thời phát hiện và giải quyết nhanh các mâu thuẫn ngay từ cơ sở, giữ gìn đoàn kết trong cộng đồng dân cư, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
d) Giám sát việc thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở
Định kỳ hằng năm, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về hòa giải cơ sở hoặc lồng ghép trong kiểm tra công tác thực hiện dân chủ ở cơ sở. Sau kiểm tra, giám sát, Mặt trận có những đề xuất, kiến nghị đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, thực hiện tốt hơn công tác hòa giải ở cơ sở. Tuy nhiên, ở một số địa phương, việc xây dựng kế hoạch giám sát thực hiện pháp luật về hòa giải chưa được triển khai. Tình trạng cung cấp thông tin về các vấn đề có liên quan đến thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở còn chậm, chưa đầy đủ diễn ra phổ biến; hoạt động đối thoại với đối tượng được giám sát chưa được tổ chức. Nội dung giám sát việc thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở chưa được đưa vào các chương trình giám sát. Mặt trận Tổ quốc các cấp chưa tích cực, chủ động trong việc cử người tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở.
e) Phối hợp, kiểm tra, sơ kết, tổng kết và khen thưởng trong thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở
Công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên với cơ quan tư pháp trong triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở thời gian qua đạt nhiều kết quả tích cực, đặc biệt trong củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của tổ hòa giải; trong tổ chức hội nghị tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở. Trong 5 năm (2014-2019), các địa phương tiếp nhận 733.159 vụ việc, trong đó hòa giải thành công 599.983 vụ việc, đạt tỷ lệ 81,8 %(3).
Tuy nhiên, ở một số địa phương, việc lồng ghép hoạt động hòa giải ở cơ sở trong thực hiện các phong trào, cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động chưa đi vào chiều sâu, hiệu quả chưa cao, biểu hiện rõ nhất trong việc chưa vận dụng phù hợp các quy định, hương ước, quy ước trong công tác hòa giải. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc ở một số địa phương chưa quan tâm, khuyến khích hòa giải viên tham khảo, vận dụng hương ước, quy ước để hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp.
Hoạt động phối hợp giữa Trưởng ban công tác Mặt trận với Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố, người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội của thôn, tổ dân phố trong xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước về hòa giải chưa chặt chẽ, nhịp nhàng. Ở nhiều địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc chưa quan tâm rà soát, phát hiện, đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế hương ước, quy ước hoặc kiến nghị xử lý hương ước, quy ước vi phạm; chưa chủ động trong tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ, không áp dụng phong tục, tập quán lạc hậu, trái pháp luật, trái đạo đức xã hội. Công tác sơ kết, tổng kết, khen thưởng các cá nhân, tập thể điển hình có thành tích trong công tác hòa giải chưa được tổ chức thường xuyên.
2. Giải pháp phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong tham gia công tác hòa giải ở cơ sở
Một là, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, hội viên và nhân dân về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác hòa giải ở cơ sở.
Tiếp tục thực hiện tốt công tác chính trị tư tưởng, quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh và các quan điểm của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, công tác hòa giải ở cơ sở trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân; phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, nâng cao nhận thức trong cả hệ thống chính trị; tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, hội viên về vai trò, vị trí, ý nghĩa quan trọng của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác hòa giải ở cơ sở.
Phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vai trò quản lý của Nhà nước trong việc xây dựng đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh, cấp huyện; hòa giải viên ở cơ sở có đủ trình độ, kỹ năng và nghiệp vụ hòa giải, đáp ứng yêu cầu. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong khuyến khích, động viên các cơ quan nhà nước, tổ chức đoàn thể, cộng đồng dân cư tham gia vào công tác hòa giải ở cơ sở, huy động nguồn lực xã hội hóa công tác hòa giải ở cơ sở. Gắn hoạt động hòa giải với các phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”... Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận với chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội để kịp thời nắm bắt các vụ việc có thể phát sinh, từ đó có những phản ánh, kiến nghị đến cấp ủy, các cơ quan chức năng kịp thời giải quyết đồng thời với thực hiện hòa giải ở cơ sở.
Hai là, xây dựng và hoàn thiện quy chế phối hợp công tác giữa cấp ủy đảng, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc theo hướng phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc trong thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở.
Nâng cao tính chủ động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch, kiểm tra, chỉ đạo, kịp thời rút kinh nghiệm, chấn chỉnh những thiếu sót trong hoạt động hòa giải ở cơ sở. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tiếp tục củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các tổ hòa giải; tập trung giám sát, phát hiện, kiến nghị; thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; tăng cường tiếp xúc với nhân dân, thường xuyên làm tốt việc tiếp công dân để lắng nghe, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của nhân dân làm cơ sở cho công tác hòa giải.
Trong quy chế phối hợp thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở phải thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm và uy tín của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận; tăng cường tính chủ động, tích cực của mỗi cơ quan, tổ chức trong công tác hòa giải ở cơ sở. Việc phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận với cơ quan quản lý nhà nước cần dựa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, bảo đảm vai trò, trách nhiệm của mỗi đơn vị.
Việc phối hợp giữa Mặt trận và các cơ quan trong công tác hòa giải cơ sở phải thường xuyên, kịp thời, đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất, đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt cần quy định rõ nhiệm vụ của Mặt trận trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hòa giải cơ sở; xây dựng tiêu chuẩn hòa giải viên cơ sở; giới thiệu nhân sự vào tổ hòa giải cơ sở, tham gia công tác tuyển chọn hòa giải viên cơ sở; đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tham gia công tác hòa giải cơ sở; vận động nhân dân xây dựng nội dung thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở theo hương ước, quy ước; giám sát việc thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở của Mặt trận.
Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo; công tác thanh tra, kiểm tra; sơ kết, tổng kết và khen thưởng đối với công tác hòa giải ở cơ sở.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần cử đại diện tham gia kiểm tra việc thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở; phối hợp chuẩn bị các điều kiện phục vụ kiểm tra và thực hiện kiểm tra theo chương trình, kế hoạch; đồng thời cần đóng góp ý kiến xây dựng báo cáo sơ kết, tổng kết việc thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp chủ động đề xuất với Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân cùng cấp khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc tham gia, đóng góp, hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng.
Ba là, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ hòa giải viên cơ sở.
Chất lượng đội ngũ hòa giải viên là yếu tố quan trọng tác động đến chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở. Do đó cần chăm lo đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ này có đủ năng lực và kỹ năng tiến hành công tác hòa giải ở cơ sở. Mặt trận Tổ quốc cần xác định rõ nội dung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ hòa giải viên cơ sở, trang bị cho đội ngũ hòa giải viên về các nguyên tắc, quy trình thực hiện hòa giải ở cơ sở và vận dụng sáng tạo vào thực tế những kỹ năng như: tiếp cận đối tượng để nắm bắt thông tin về vụ việc hòa giải và nhu cầu lợi ích của các bên; xem xét, xác minh vụ việc; tra cứu, tìm kiếm văn bản pháp luật, tìm kiếm giải pháp tư vấn cho các bên; chuẩn bị tổ chức, điều hành, kiểm soát buổi hòa giải; giải thích, thuyết phục, hướng dẫn các bên tự thỏa thuận dàn xếp mâu thuẫn, tranh chấp; ghi chép, lập văn bản hòa giải...
____________________________________
(1), (3) Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Luật hòa giải cơ sở, 2019.
(2) Nguồn Bộ Tư pháp.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị điện tử ngày 8.7.2021
Xem nhiều
-
1
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương thăm và làm việc tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
-
2
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương làm việc với Tỉnh ủy Hà Tĩnh
-
3
Mạch nguồn số 3: Tháng Năm nhớ Bác
-
4
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Quân chính toàn quân 6 tháng đầu năm 2022
-
5
Đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương tri ân các anh hùng liệt sỹ và tặng quà người có công ở Hà Tĩnh
-
6
"Quan tâm, chăm sóc các đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ và người có công với đất nước luôn là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước ta"
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- TẠP CHÍ NGƯỜI LÀM BÁO
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- THƯ VIỆN SỐ HỌC VIỆN BÁO CHÍ VÀ TUYÊN TRUYỀN
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương thăm và làm việc tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Chiều 11.7, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương dẫn đầu Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương thăm và làm việc tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Từ cuộc chiến chống đại dịch COVID-19: Suy ngẫm về sự tỏa sáng giá trị văn hóa Việt Nam
Từ cuộc chiến chống đại dịch COVID-19: Suy ngẫm về sự tỏa sáng giá trị văn hóa Việt Nam
Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, những giá trị tốt đẹp của văn hóa, con người Việt Nam ngày càng lan tỏa, chuyển hóa thành sức mạnh, tạo thành động lực để chúng ta vượt qua khó khăn, thực hiện “mục tiêu kép”, vừa đẩy lùi được dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Theo dấu chân Bác
Theo dấu chân Bác
Những ngày tháng năm lịch sử, cả nước ta đều chung một niềm vui, một lời chúc dâng lên vị lãnh tụ vĩ đại của cả dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đã 53 năm từ khi Bác đi xa, nhưng sự nghiệp và tư tưởng, tấm gương, phong cách đạo đức của Người vẫn sáng ngời và sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Để rồi, không chỉ riêng tháng Năm, mà bất cứ khi nào nhớ về Bác, lòng ta trong sáng hơn.
Kinh tế tuần hoàn thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, hài hòa với bảo vệ môi trường
Kinh tế tuần hoàn thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, hài hòa với bảo vệ môi trường
Ở Việt Nam, mô hình phát triển kinh tế tuyến tính đã không còn phù hợp trong bối cảnh mới - khi nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt, chất lượng môi trường xuống thấp. Phát triển kinh tế tuần hoàn thúc đẩy phát triển bền vững, hài hòa với bảo vệ môi trường trở thành nhu cầu cấp bách, xu thế tất yếu của tiến trình phát triển xã hội. Đại hội XIII của Đảng định hướng phát triển kinh tế bền vững, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Trong bối cảnh mới, việc cụ thể hóa và triển khai vận dụng kinh tế tuần hoàn thành công là hết sức quan trọng và là trọng tâm cần ưu tiên trong chính sách phát triển quốc gia.
Ứng phó với biến đổi khí hậu - Quan điểm của thế giới và Việt Nam
Ứng phó với biến đổi khí hậu - Quan điểm của thế giới và Việt Nam
Biến đổi khí hậu là thách thức lớn nhất đối với toàn cầu, là mối đe dọa trực tiếp đời sống loài người. Nhiều hiệp ước quốc tế về chống biến đổi khí hậu đã được ký kết. Tuy nhiên, quyết tâm chính trị toàn cầu để ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay là “chưa đủ”, thế giới đang phải đối mặt với “thảm họa khí hậu". Việt Nam là một trong những nước chịu tác động nặng nề từ biến đổi khí hậu. Quan điểm của Việt Nam coi giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu là ưu tiên cao nhất trong quyết sách phát triển quốc gia, đồng thời tích cực hợp tác với các nước để ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Bài viết khái quát quan điểm của quốc tế và Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bình luận